U tuyến thượng thận có thể gây rối loạn quá trình sản xuất một số chất nội tiết (hormone) trong cơ thể, dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Phẫu thuật là phương pháp điều trị khỏi bệnh trong nhiều trường hợp u tuyến thượng thận lành tính và ác tính. Trong đó phẫu thuật với sự hỗ trợ Robot là một hướng tiếp cận mới đầy triển vọng giúp nâng cao hiệu quả điều trị và sự an toàn cho người bệnh.
1. U tuyến thượng thận là gì?
Tuyến thượng thận là tuyến nằm phía trên của hai quả thận. Tuyến thượng thận có tiết ra các hormone giúp cơ thể chống stress, cân bằng chất điện giải, điều hòa huyết áp, điều khiển hoạt động hệ miễn dịch, hàn gắn các mô tế bào khi bị viêm nhiễm, chấn thương,…
U tuyến thượng thận là khối u hiếm gặp, phát triển trong tuyến thượng thận và thường là u lành tính, chỉ có một tỉ lệ rất hiếm gặp là u ác tính (ung thư). U tuyến thượng thận thường chỉ xuất hiện ở một trong hai tuyến thượng thận nhưng trong một số trường hợp có thể cả hai tuyến.
U tuyến thượng thận có thể biểu hiện nhiều bệnh cảnh khác nhau:
- Không có triệu chứng: Người bệnh phát hiện tình cờ khi khám sức khỏe tổng quát, siêu âm hoặc chụp cắt lớp vi tính (CT Scan) thấy u tuyến thượng thận.
- U có chức năng nội tiết, biểu hiện bởi các hội chứng:
- U tủy thượng thận do u tăng tiết catecholamine, gây ra cơn tăng huyết áp.
- Hội chứng cushing do u tăng tiết cortisol. Bệnh nhân có triệu chứng tăng huyết áp, phù, vẻ mặt cushing, vết rạn da…
- Cường aldosterone do tăng tiết chất aldosterone, làm giảm kali máu, dẫn đến tình trạng yếu cơ, tăng huyết áp
- U gây tăng tiết hormone sinh dục.
Triệu chứng điển hình của u tủy thượng thận là các cơn tăng huyết áp kịch phát, xảy ra đột ngột. Huyết áp bệnh nhân tăng rất cao, có thể lên đến 250-280/120-140 mmHg, kéo dài từ vài phút đến vài giờ sau đó tự giảm về bình thường. Trong cơn tăng huyết áp, bệnh nhân có các biểu hiện như nhịp tim nhanh, cảm giác hồi hộp, đau ngực, nhức đầu, buồn nôn, nôn, tiểu nhiều, da tái xanh, vã mồ hôi, toàn thân lạnh. Người bệnh lo lắng, hốt hoảng, sợ chết; sau cơn tăng huyết áp, người bệnh mệt lả, huyết áp bình thường hoặc có thể tụt, cơ thể mất nhiều nước, có thể rối loạn điện giải hoặc trụy tim. Các cơn tăng huyết áp có thể được kích hoạt bởi lao động gắng sức, stress, những thay đổi trong cơ thể, phẫu thuật và gây mê.
Trong một số trường hợp, người bệnh có thể tăng huyết áp thường xuyên, thỉnh thoảng có cơn tăng huyết áp kịch phát. Tăng huyết áp kéo dài sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như nhồi máu cơ tim, bệnh mạch vành, suy tim, tai biến mạch máu não, suy thận, tổn thương mắt có thể dẫn đến mù lòa…
2. U tuyến thượng thận được điều trị như thế nào?
Nếu u tuyến thượng thận có kích thước nhỏ (< 5cm) và không có chức năng nội tiết (không sản xuất quá mức các hormone thượng thận), khối u không triệu chứng, được phát hiện tình cờ khi thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh thì có thể chưa cần điều trị. Bệnh nhân sẽ được theo dõi theo định kỳ, làm các xét nghiệm nội tiết và hình ảnh để đánh giá kích thước u và chức năng nội tiết của tuyến thượng thận.
Nếu u tuyến thượng thận kích thước trên 5cm hoặc u tuyến thượng thận gây ra tình trạng tăng tiết hormone (bất kể kích thước lớn hay nhỏ) thì bệnh nhân cần phải được điều trị phẫu thuật.
Phương pháp điều trị u tuyến thượng thận có chức năng nội tiết hoặc u lớn > 5cm là phẫu thuật để loại bỏ các khối u.
Phẫu thuật nội soi cắt tuyến thượng thận là một kỹ thuật khó. Trước khi phẫu thuật bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc sử dụng trong 7-10 ngày để giúp ổn định huyết áp, các thuốc này có thể thay thế hoặc bổ sung thuốc huyết áp bệnh nhân đang sử dụng. Trong phần lớn các trường hợp, toàn bộ tuyến thượng thận và khối u sẽ được loại bỏ. Tuyến thượng thận còn lại sẽ đảm nhiệm chức năng nội tiết, sản xuất các hormone, huyết áp sẽ trở lại bình thường. Tuy nhiên, nếu một tuyến thượng thận đã được loại bỏ trước đó, bác sĩ phẫu thuật sẽ chỉ loại bỏ khối u và giữ lại các mô tuyến thượng thận khỏe mạnh.
Có hai phương pháp phẫu thuật u tuyến thượng thận chính hiện nay là mổ hở và mổ nội soi. Phẫu thuật nội soi cắt u tuyến thượng thận thuận lợi cho những khối u có kích thước <5cm và lành tính. Mổ mở trong những trường hợp có chống chỉ định mổ nội soi hoặc u quá lớn, dính nhiều với các tạng xung quanh.
Nếu u tuyến thượng thận là ung thư hoặc ung thư di căn, ngoài phẫu thuật, bệnh nhân có thể được chỉ định các phương pháp điều trị khác như hóa trị, xạ trị, liệu pháp nhắm trúng đích…
3. Phương pháp phẫu thuật với Robot hỗ trợ trong điều trị u tuyến thượng thận
Phẫu thuật với Robot hỗ trợ là một bước phát triển vượt bậc của ngoại khoa, một hướng tiếp cận mới nhiều triển vọng và là xu hướng phát triển của ngành phẫu thuật. Phẫu thuật với Robot hỗ trợ có nhiều ưu điểm so với mổ hở và mổ nội soi kinh điển.
Với cấu trúc tinh vi, hiện đại, mô phỏng hoàn hảo hoạt động của tay người, góc phẫu thuật rộng lên đến 540 độ mà không cánh tay con người nào có thể thực hiện được, hình ảnh phóng đại ba chiều có khả năng chẩn đoán và thực hiện phẫu thuật chính xác, ít xâm lấn. Do đó, phẫu thuật với Robot hỗ trợ mang đến hiệu quả điều trị và độ an toàn cao, giảm đau đớn và các biến chứng cho người bệnh, đảm bảo tính thẩm mỹ, giúp rút ngắn thời gian nằm viện, người bệnh nhanh hồi phục.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Tân Cương – Trưởng đơn nguyên Ngoại tiết niệu, Khoa Ngoại tổng hợp – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.